Với vị thế là một trong bốn cảng biển lớn nhất Quảng Ngãi, trong những năm qua, cảng Mỹ Á liên tục được quy hoạch và đầu tư bài bản, đón nhận hàng nghìn lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào giao thương, xuất bến để đánh bắt ở vùng biển Đông
Ưu tiên phát triển hạ tầng
Cảng Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Ðức Phổ) nằm cách quốc lộ 1A 4,5km; cách TP. Quảng Ngãi 40km và nằm trên tuyến đường Dung Quất – Sa Huỳnh (từ Đức Chánh qua cảng Mỹ Á đến khu đô thị thị xã Đức Phổ)… là đầu mối giao thông, giao thương quan trọng của khu vực. Cùng với cảng Sa Kỳ, cảng Mỹ Á là tụ điểm của nghề cá, đánh bắt và nuôi trồng hải sản phía nam tỉnh Quảng Ngãi.
Mỹ Á cũng đang giữ vai trò chiến lược trong nền kinh tế của thị xã Đức Phổ nói riêng khi được định hướng phát triển thành trung tâm đánh bắt cá và chế biến hải sản miền Trung với 4 mũi nhọn gồm: cảng neo đậu; dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá; du lịch và khu vực hậu thuẫn phát triển đô thị vệ tinh Đức Phổ.
Để phát triển cảng Mỹ Á trở thành trung tâm đánh bắt và chế biến thủy hải sản hàng đầu miền Trung, trong những năm qua, đảng bộ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi liên tục có những dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cảng cá này để xứng tầm với tiềm năng và vị thế đáng có.
Năm 2009, cảng neo trú tàu, thuyền Mỹ Á xây dựng các hạng mục chính như: đê bắc, đê nam, đê chắn cát ngăn lũ, nạo vét cửa biển, xây dựng bến cá và vùng neo đậu tàu thuyền, với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 – 2020, nhận được sự đầu tư của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, cảng biển Mỹ Á cùng với cảng biển Sa Huỳnh đã thu hút đầu tư lên đến 300 tỷ đồng để nạo vét cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi để tàu thuyền ra vào cảng. Sau khi hoàn thành dự án, cảng Mỹ Á đã đón nhận hàng nghìn lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào giao thương, xuất bến để đánh bắt ở vùng biển Đông.
Tháng 6/2021 vừa qua, UBND thị xã Đức Phổ đã đề xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi về quy hoạch hệ thống cảng cá Mỹ Á và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu công suất lớn.
Chứng kiến những lượt tàu thuyền tấp nập đổ về cảng Mỹ Á là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của những dự án này.
Đòn bẩy hình thành trung tâm đánh bắt và chế biến hải sản
Sự đồng bộ về hạ tầng cảng biển và hệ thống giao thông liên kết không chỉ tạo thuận lợi cho việc đánh bắt cá của ngư dân Quảng Ngãi, giúp cho nguồn thủy hải sản đánh bắt được không bị thất thoát ra bên ngoài, mà còn là đòn bẩy phát triển các dịch vụ hậu cần và chế biến hải sản của địa phương và toàn tỉnh.
Trong những năm qua, nhờ quy hoạch cảng cá Mỹ Á kết hợp nâng cao cường lực đánh bắt, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã Phổ Quang năm sau luôn cao hơn năm trước, doanh thu đạt 500 đến 600 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, ngành kinh tế biển phát triển nhanh với giá trị sản xuất tăng bình quân từ 7 đến 8%/năm, trong đó nghề khai thác hải sản có tốc độ tăng nhanh nhất.
Để nghề khai thác thủy sản trong giai đoạn tới (2021 – 2025) phát triển bền vững, cảng Mỹ Á đang tập trung phát triển theo chiều sâu. Đó là: tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản ở vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; phát triển đội tàu khai thác xa bờ theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng năng lực khai thác xa bờ bằng việc trang bị công nghệ khai thác và bảo quản hiện đại, không nhất thiết tăng số lượng và công suất tàu cá,…
Sự hưng thịnh của cảng cá Mỹ Á sẽ mở ra những cơ hội cho nhiều nhà máy, xí nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản xuất khẩu liên tục ra đời, các nhà máy cũ thì tập trung nâng công suất, đổi mới công nghệ. Tương lai cảng Mỹ Á trở thành một trong những trung tâm đánh bắt và chế biến thủy hải sản quan trọng của miền Trung chắc chắn sẽ là rất lớn.